Phép thử của câu: “Dạ, con đây”

Tác giả:

Tác giả: Simcha Fisher

Người dịch: Têrêsa Phương

Bản gốc tiếng Anh: 

https://www.simchafisher.com/2024/02/27/the-test-of-here-i-am/

.

.

Lần thứ hai Áp-ra-ham nói: “Dạ, con đây!”, tôi đã bị xúc động mạnh.

Lần đầu tiên Chúa gọi tên ông và ông nói: “Dạ, con đây!”, Thiên Chúa đã phán:

“Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, 

hãy đi đến xứ Mô-ri-gia 

mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, 

trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”

Điều này nghĩa là gì, tôi nghĩ có lẽ tôi không cần nói bạn biết nữa. Áp-ra-ham suốt đời chờ đợi Thiên Chúa giữ lời hứa, và rồi khi Thiên Chúa nhậm lời ông, Áp-ra-ham cuối cùng cũng có được được đứa con trai yêu dấu mà Ngài đã hứa. Và sau đó, Thiên Chúa phán, “Sát tế nó đi.”

Nếu ông biết trước đây là điều Chúa muốn, liệu ông có sẵn lòng trả lời như vậy không? Hay ông sẽ nói điều gì khác ngoài câu “Dạ, con đây”?

Nhưng rõ ràng đó là điều Chúa muốn, và Áp-ra-ham dường như đã không còn muốn nghi ngờ Thiên Chúa nữa. Ông đã phạm sai lầm ở Ai Cập, khi ông nói với họ không chỉ một lần mà hai lần rằng bà Xa-ra là em gái ông, với hy vọng rằng họ sẽ giữ lấy bà mà tha cho ông; và sau đó ông cố gắng ép buộc Chúa bằng cách có một đứa con trai với người hầu của mình là Ha-ga. Ông làm những điều này vì ông không thể kiểm soát được tình hình, ông sợ hãi và không tin lời Chúa; và bởi vì ông vẫn cần học được bài học về việc Thiên Chúa là ai. Nhưng khi đến chân núi, Áp-ra-ham đã thay đổi. Lần này, khi Chúa gọi ông, ông nói: “Dạ, con đây,” và Thiên Chúa cho ông biết phép thử khủng khiếp đó.

Ông thực hiện điều đó. Ông cùng I-xa-ác leo núi, dựng bàn thờ, gom củi rồi đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình. Và một lần nữa, Thiên Chúa gọi ông: “Áp-ra-ham”.

Áp-ra-ham trả lời: “Dạ, con đây!”

Tôi tự hỏi lần này ông nghĩ Chúa sẽ nói gì.

Ông đã nói tất cả những gì một người có thể nói: “Con đây”. Điều duy nhất Áp-ra-ham biết là Thiên Chúa ở đó, và ông cũng đặt mình ở đó, để chuẩn bị tinh thần đón nhận bất cứ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ông thậm chí còn không hỏi, “Ngài  muốn gì?” Ông chỉ nói: “Con đây.” Tôi nghĩ rằng việc sẵn sàng hy sinh con trai mình là phần đầu tiên của phép thử, và việc nói “Con đây” là phần thứ hai. Có lẽ phần thứ hai khó hơn.

Đó là bài đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật vừa qua. Tuần trước, chúng ta nghe về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc. Đó không phải là một phép thử giống như thử thách khôn tả của Áp-ra-ham. Đó là sự cám dỗ, và tôi đã suy nghĩ về sự khác biệt giữa phép thử và cám dỗ.

Trong sa mạc, “tên cám dỗ” cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu làm việc gì đó. Quỷ cố gắng khiến Chúa Giêsu truyền cho những hòn đá hóa bánh, gieo mình xuống khỏi nóc đền thờ, và sấp mình bái lạy quỷ. Quỷ đang cố gắng khiến Chúa Giêsu, Thiên Chúa, làm những việc hắn muốn. Đi đến nhiều nơi, thực hiện mọi việc, thay đổi mọi thứ, để nhận lại những thứ mà quỷ nghĩ là Chúa muốn nhiều hơn.

Tôi không thể hiểu Chúa Giêsu đã phải đấu tranh thế nào khi phải đối mặt với những cám dỗ này; nhưng trong từng trường hợp, Ngài không làm theo lời quỷ. Theo Kinh Thánh, Ngài đáp lại bằng cách nhắc nhở tên quỷ rằng Chúa là ai. Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu và Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài. Ta không thể đến sai bảo Chúa làm việc gì đó.

Tôi đã được nghe giảng rằng, lý do quỷ đến gần Chúa Giêsu trong sa mạc là vì nó muốn tìm hiểu Chúa Giêsu thực sự là ai. Quỷ rõ ràng đã linh cảm được, nhưng nó cố gắng thử thách Chúa Giêsu: Nó có thể thấy người này yếu đuối và đói khát, và nó tấn công vào điểm yếu đó, để kiểm nghiệm những ranh giới và hạn chế của thân xác này. Quỷ cố gắng thân mật với Chúa Giêsu bằng cách bắt Ngài làm mọi việc, và bằng cách đó, quỷ có thể biết được Ngài thực sự là ai.

Quỷ là quỷ bởi vì hắn chưa bao giờ chấp nhận bản chất thực sự của Thiên Chúa: Ngài là Đấng Hiện Hữu. Ngài không phải người mà ta có thể mặc cả hay dễ dàng thao túng. Quỷ đã cố gắng và thất bại trong việc thay đổi Thiên Chúa khi hắn nổi loạn chống lại Ngài trước khi thế giới bắt đầu; và hắn vẫn không hiểu được Thiên Chúa bất biến như thế nào.

Cũng khó trách hắn. Làm thế nào một Thiên Chúa bất biến lại trở thành con người? Tôi không trả lời được câu hỏi đó.

Nhưng đây chính là điều khiến cho thử thách của Chúa Giêsu trở thành cám dỗ, hơn là một phép thử như thử thách mà ông Áp-ra-ham đã phải chịu. Phép thử làm rõ ta là ai, và Thiên Chúa là ai. Nhưng mục đích của cám dỗ là khiến cho Thiên Chúa có vẻ ít giống Thiên Chúa hơn. Đó là hậu quả của tội lỗi: Tất nhiên, tội lỗi không thực sự thay đổi Thiên Chúa, nhưng nó khiến chúng ta khó hiểu Thiên Chúa là ai hơn, khó nhận biết Ngài hơn, và chúng ta cũng khó nhìn thấy chính mình một cách rõ ràng hơn. Nó làm lu mờ nhận thức của chúng ta về nơi chúng ta kết thúc và nơi Chúa bắt đầu. Mọi tội lỗi đều gây ra hậu quả này.

Đó là điều quỷ muốn: Nó muốn Chúa Giêsu, trong hai cám dỗ đầu tiên, vướng vào một sự vướng mắc, một cuộc ăn miếng trả miếng, một cuộc mặc cả phức tạp, kỳ lạ mà không rõ ai có quyền và ai được lợi. “Tôi sẽ đưa cho ông cái này, nếu ông đưa cho tôi cái kia, và việc ông làm sẽ thực sự CHO THẤY quyền năng của ông, nhưng ông phải làm điều tôi đòi hỏi…” Đây không phải là cách ta cư xử khi ta hiểu Chúa là ai. Đó là cách ta cư xử khi ta không muốn Chúa là Chúa.

Với cám dỗ thứ ba – tôi luôn cảm giác rằng quỷ có vẻ thiếu kiên nhẫn và thất vọng vì hắn đã không được gì từ những nỗ lực trước đó – hắn nói, “Nghe này, hãy sấp mình bái lạy tôi.” Và tất nhiên Chúa Giêsu không làm điều đó. Ngài xua đuổi cám dỗ vô lý đó. Tôi gần như tự hỏi liệu có phải quỷ đang bị thử lòng trong sa mạc hay không. Có lẽ, có thể, hắn đã được ban cho cơ hội thứ hai để nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa và cư xử cho phải phép? Có lẽ vậy.

Dù thế nào đi nữa, hai cám dỗ đầu tiên mà quỷ cố gắng làm nhắc nhở tôi về cách Áp-ra-ham đã hành động trước khi ông đến Mô-ri-gia. Chắc chắn là ông muốn có mối quan hệ với Chúa, nhưng ông lại muốn thao túng Ngài. Ông sẽ rời bỏ nhà cửa và gia đình như Chúa đã phán, nhưng ông sẽ giữ an toàn cho bản thân bằng cách nói dối và phản bội vợ mình. Ông sẽ có được đứa con trai mà Chúa đã hứa, nhưng ông sẽ thực hiện điều đó với Ha-ga tội nghiệp. Có lẽ ông không hề nhận ra rằng ông đang thử thách Thiên Chúa. Ông vẫn tin rằng Chúa là người mà ông có thể lợi dụng, và để có được những thứ ông muốn, ông phải thao túng Ngài. Ông cố gắng làm cho Chúa trông bớt giống Chúa hơn, để ông có thể kiểm soát mọi chuyện.

Điều này sẽ không bao giờ có kết cục tốt đẹp. Phải mất một thời gian (lúc này ông đã già quá rồi!) để ông hiểu ra. Thiên Chúa là Thiên Chúa và Thiên Chúa làm những gì Ngài muốn. Tôi biết mọi người không muốn nghe điều đó, nhưng hãy cho tôi biết điều gì khác có thể đúng? Mọi chuyện sẽ có kết cục như thế nào nếu chúng ta làm gì khác với Thánh Ý Chúa?

Và đây là lý do tại sao, lần thứ hai Thiên Chúa gọi tên Áp-ra-ham trên đỉnh núi khủng khiếp đó, Áp-ra-ham chỉ nói: “Dạ, con đây!” Ông đã không còn ảo tưởng rằng ông có thể kiểm soát được tình hình, hoặc có thể đoán trước bất cứ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Có lẽ ông sẽ đứng đó mãi với con dao giơ trên cổ con trai mình, và chờ đợi Chúa lên tiếng. Ông không biết và không cố gắng để biết. Những gì ông nói là tất cả những gì ông có thể nói: “Dạ, con đây.”

Ông đã vượt qua phép thử đó. Ông để Chúa là Chúa, mặc dù ông không biết điều đó có nghĩa là gì, và càng không biết điều ấy có ý nghĩa gì đối với ông và con trai ông. Điều ông biết là Thiên Chúa ở đó, và Áp-ra-ham đang cho phép bản thân mình đứng ở đó, trước mặt Thiên Chúa, và chỉ thế thôi.

Tôi thậm chí còn không hiểu Thiên Chúa là ai. Tôi chỉ biết là sau phép thử khó khăn và khủng khiếp này mà tất cả chúng ta đều được nghe hàng năm, chúng ta tiếp tục nghe đến phần Chúa Giêsu nói về sự yếu đuối và giới hạn của xác thịt Ngài, và Ngài cũng nói: “Dạ, con đây”. Con dao chĩa vào Con Người, và lần này nó đâm vào.

Đây chính là mục đích của Mùa Chay. Trong Mùa Chay, ta học cách nói: “Dạ, con đây” và để Chúa quyết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia